Thuế quan của Mỹ tiếp tục là yếu tố gây xáo trộn thị trường. Tìm hiểu cách crypto phản ứng trước làn sóng biến động này
Bitcoin “thoát xác” thành tài sản vĩ mô
Trước khi bước vào 2025, thị trường dự đoán về một “chu kỳ tăng trưởng mới”, tuy nhiên thực tế đón đợi lại là một “mùa đông crypto” khắc nghiệt và có lẽ còn kéo dài.
Những đợt giảm giá mạnh không đến từ sự non kém trong hạ tầng kỹ thuật hay những “cú sập” như FTX và LUNA-UST, mà bắt nguồn từ một mạng lưới phức tạp những yếu tố vĩ mô toàn cầu.
Fidelity Digital Assets – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, nhận xét rằng Bitcoin “đang dần được xem như tài sản vĩ mô”. Nghĩa là, giá Bitcoin không còn đơn thuần phản ánh kỳ vọng nội tại từ thị trường crypto, mà đã bị cuốn sâu vào làn sóng kinh tế toàn cầu — như chứng khoán, trái phiếu hay vàng.
Liên kết này trở nên rõ ràng nhất vào những thời điểm như ngày 7/4/2025, khi vốn hóa toàn thị trường tài sản số bốc hơi gần 10% chỉ trong vài tiếng. Con số này không chỉ phản ánh thiệt hại tài chính, mà còn là tín hiệu báo động về mức độ mong manh của crypto trước những biến cố từ bên ngoài.
Tiêu đề bài báo Cointelegraph “Tại sao hôm nay thị trường crypto lao dốc?” đã hỏi thay cho cả ngành. Và câu trả lời không được tìm thấy trên on-chain mà nằm ở các sự kiện kinh tế bên ngoài: thuế quan, lạm phát, lãi suất, USD tăng giá…
Ví dụ rõ ràng nhất là chỉ số chứng khoán. Dù không đại diện cho một công ty cụ thể, nó lại phản ánh chính xác cảm xúc và kỳ vọng của cả nền kinh tế — thứ mà từng cổ phiếu đơn lẻ khó thể hiện. Và theo Fidelity, Bitcoin hiện là một trong những tài sản vĩ mô toàn cầu đáng chú ý nhất.
Không giống cổ phiếu hay trái phiếu – vốn bị dòng tiền doanh thu, lợi nhuận hay cổ tức chi phối, giá Bitcoin chỉ bị ảnh hưởng bởi cung và cầu. Điều này khiến nó trở nên “thuần khiết” hơn trong mắt các nhà đầu tư vĩ mô: không ban điều hành, không rủi ro phá sản, không phụ thuộc kết quả kinh doanh.
“Vì Bitcoin không có yếu tố doanh nghiệp hay tổ chức phát hành đứng sau và sở hữu nguồn cung cố định nên mọi biến động giá của Bitcoin gần như đều xuất phát từ sự thay đổi nhu cầu”, Fidelity nhấn mạnh.
Bitcoin còn là tiền phi chính phủ, không bị in thêm, không bị ngân hàng trung ương điều khiển. Với những ai lo ngại tiền pháp định bị mất giá vì bị in ra quá nhiều – Bitcoin trở thành lựa chọn hấp dẫn để phòng ngừa rủi ro.
Từ một tài sản công nghệ bị coi là bong bóng đầu cơ, Bitcoin đang dần bước vào sân chơi tài sản vĩ mô, nơi nó không chỉ được nhìn nhận như tài sản số mà còn như công cụ chiến lược trong danh mục đầu tư thời biến động.
Khi Bitcoin trở thành “tấm gương phản chiếu” kinh tế vĩ mô
Nếu xem Bitcoin là tài sản vĩ mô thì các chỉ số như CPI, lãi suất hay thanh khoản trở thành những biến số không thể bỏ qua.
CPI: Tương quan giữa Bitcoin và lạm phát?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo phổ biến của lạm phát, là một trong những chỉ báo được theo dõi sát sao nhất. Trong giai đoạn 2021, khi lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm, giá Bitcoin cũng tăng cao, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng đây là công cụ phòng ngừa lạm phát – giống như “vàng kỹ thuật số”.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản. Khi CPI Mỹ đạt 9.1% vào tháng 6/2022, Bitcoin ban đầu biến động mạnh. Nhưng đến cuối 2022, Bitcoin sụt giảm 35% khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất. Mối liên hệ giữa Bitcoin và lạm phát bị đặt dấu chấm hỏi.
Dù vậy, theo Fidelity, Bitcoin đã tăng hơn 700% trong giai đoạn mức lạm phát kỳ vọng tăng 80% vào năm 2021 – cho thấy mối tương quan tiềm ẩn giữa Bitcoin và kỳ vọng lạm phát. Một nghiên cứu từ Fed New York cũng nhấn mạnh: Bitcoin gần như không phản ứng với tin tức kinh tế nào, ngoại trừ CPI.
Lãi suất: Kẻ tạo sóng ngầm trong crypto
Không chỉ báo nào khiến thị trường toàn cầu “rung chuyển” nhanh như các quyết định về lãi suất của Fed. Lãi suất thấp thường khuyến khích đầu tư vào tài sản rủi ro – trong đó có crypto, vì nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao hơn. Ngược lại, lãi suất cao khiến đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên giá tài sản số.
Lịch sử đã chứng minh điều đó:
- 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018 trùng khớp với đợt suy thoái của thị trường crypto.
- 3 lần cắt giảm lãi suất năm 2019 giúp thị trường phục hồi.
- Các đợt tăng lãi suất mạnh trong năm 2022 – 2023 cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường lao dốc.
Báo cáo từ S&P Global Ratings cho thấy thị trường crypto hoạt động tốt trong thời kỳ tiền rẻ (ultra-loose monetary policy) và đi xuống khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Tuy vậy, Fed New York cũng lưu ý: Bitcoin không nhạy với những thay đổi lãi suất ngắn hạn bất ngờ – trái ngược với các loại tài sản truyền thống.
GDP và thanh khoản: Hai trụ đỡ vô hình cho crypto
Tăng trưởng GDP cũng đóng vai trò quan trọng. Khi Mỹ công bố GDP suy giảm 32.9% trong quý 2/2020, Bitcoin lao dốc mạnh. Đến năm 2021, khi GDP Mỹ phục hồi mạnh mẽ, Bitcoin lập đỉnh mới – cho thấy giá Bitcoin có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế.
Fidelity nhấn mạnh một yếu tố khác không thể bỏ qua: thanh khoản thị trường. Khi lượng tiền trong hệ thống dồi dào – đo bằng chỉ số M2 hoặc M2 toàn cầu, Bitcoin thường có diễn biến tích cực. Trong các mô hình hồi quy, thanh khoản là biến có mức tương quan cao nhất với biến động giá Bitcoin.
Chỉ số tài chính truyền thống: Từ phi tương quan đến “đồng điệu”
Crypto từng được coi là không tương quan với thị trường tài chính truyền thống, nhưng điều này đang thay đổi. “Kể từ khi có dòng tiền tổ chức đổ vào, thị trường crypto ngày càng vận động giống thị trường chứng khoán – đặc biệt trong các giai đoạn căng thẳng”, báo cáo của Crypto.com cho biết.
Đợt suy giảm tháng 3/2020 là minh chứng rõ ràng: cả chỉ số chứng khoán và Bitcoin cùng sụp đổ. Ethereum thậm chí thể hiện mức tương quan cao với NASDAQ – chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu công nghệ.
Tháng 4/2025, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới làm dấy lên lo ngại lạm phát, cả chứng khoán và crypto cùng nhau lao dốc – phản ánh tâm lý “risk-off” (tháo chạy khỏi tài sản rủi ro) bao trùm toàn thị trường.
Tuy nhiên, Bitcoin không hoàn toàn bị “đồng hóa”. Trong khủng hoảng ngân hàng tháng 3/2023, khi chứng khoán đỏ lửa, Bitcoin bất ngờ tăng mạnh – cho thấy tiềm năng “thoát ly” với vai trò như nơi trú ẩn tài sản an toàn.
Bitcoin chịu áp lực và dòng vốn từ Trung Quốc
Năm 2025 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ thương mại do Mỹ dẫn đầu, với việc Tổng thống Donald Trump áp hàng loạt mức thuế nhập khẩu quy mô lớn – động thái dấy lên lo ngại về một thương chiến toàn cầu.
Theo Binance Research, đây là “cú sốc thuế quan chưa từng có” và được mô tả như “cuộc tấn công bằng thuế hung hăng nhất kể từ thập niên 1930”. Mức thuế trung bình của Mỹ đã tăng vọt lên khoảng 18.8%, so với chỉ 2.5% vào năm 2024 – bước nhảy khổng lồ phản ánh sự thay đổi chiến lược rõ rệt từ phía Washington.
Tác động không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống. Crypto cũng đang bị cuốn vào cơn lốc vĩ mô này.
Thị trường crypto rung chuyển
Ngay sau khi thông tin về mức thuế mới được công bố vào đầu tháng 4/2025, vốn hóa toàn thị trường crypto giảm tới 25.9% so với đỉnh tháng 1. Trong ngày 7/4/2025, khi các báo cáo về căng thẳng thuế quan lan truyền, Bitcoin chạm đáy mới của năm, trong khi các cổ phiếu liên quan đến crypto tại Mỹ (như COIN của Coinbase, MSTR của Strategy) đồng loạt mất điểm.
“Các tài sản rủi ro đều giảm mạnh ngay đầu tuần, khi thị trường cố gắng ‘tiêu hóa’ mức thuế kỷ lục mà chính quyền Trump vừa công bố cuối tuần trước”, Darren Chu – nhà phân tích tại BRN, chia sẻ. Chuỗi phản ứng dây chuyền đã làm bùng nổ biến động giá trên thị trường crypto, đặc biệt là Bitcoin – đồng tiền nhạy cảm với các cú sốc chính sách.
Lạm phát và suy thoái: Bitcoin chịu áp lực hai chiều
Về trung hạn, Binance Research cảnh báo rằng sắc thuế mới có thể gây áp lực lạm phát – khi chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này đi ngược lại nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng vốn đã rất khó khăn từ sau đại dịch. Nguy cơ “stagflation” – tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ tăng trưởng, cũng đang dần trở thành hiện thực.
“Trong ngắn hạn, thuế quan là yếu tố tiêu cực với Bitcoin. Không giống vàng, Bitcoin phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và có sự phản ứng với chu kỳ thanh khoản”, James Butterfill – Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CoinShares, nhận định.
Theo Butterfill, sự kết hợp giữa tăng lạm phát, giảm tăng trưởng và đồn đoán về lãi suất có thể khiến Bitcoin tiếp tục điều chỉnh, nhất là khi đồng tiền này vẫn đang vận hành giống các tài sản rủi ro truyền thống.
Kỳ vọng về dòng vốn Trung Quốc
Dù triển vọng ngắn hạn có vẻ ảm đạm, một số chuyên gia lại nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh hỗn loạn. Arthur Hayes – nhà sáng lập sàn phái sinh BitMEX, tin rằng phản ứng của Trung Quốc trước áp lực thuế quan có thể kích hoạt một “làn sóng tháo chạy vốn”, với Bitcoin là điểm đến an toàn.
“Nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để đối phó, dòng vốn trong nước có thể tiếp tục chảy vào Bitcoin. Điều này từng xảy ra vào năm 2013, 2015 và hoàn toàn có thể lặp lại trong năm 2025”, Hayes nhận định.